Du học Hàn Quốc - Bát cơm chan đầy nước mắt
Du học Hàn Quốc – Bát cơm chan đầy nước mắt

Du học Hàn Quốc – Bát cơm chan đầy nước mắt

Trong những chuyến hành trình trên đất nước Hàn Quốc để thăm học sinh đang theo học tại xứ sở Kim Chi và đối tác. Thanh Giang đã có những cuộc trò chuyện với các bạn học sinh ở mọi miền từ những nơi phồn hoa đô hội bậc nhất đến những vùng xa xôi để đi tìm nguyên nhân và tìm hiểu những góc khuất mà ở quê nhà chúng ta không thấy. Thanh Giang xin được tổng hợp và thay lời các bạn học sinh chia sẻ những sự thật đắng cay mà các bạn đang gặp phải để mong rằng các gia đình có con em cũng như các bạn trẻ chuẩn bị đi du học Hàn Quốc cùng tìm hiểu, trước khi quyết định có cho con em mình đi học hay không. Bài viết này chỉ nói lên được phần nhỏ, chưa thể nói lên hết được muôn vàn nỗi vất vả, nguy hiểm rình rập các bạn du học sinh, nhưng mong rằng nó sẽ giúp các bạn nhận biết được thực trạng, đâu là giá trị đích thực của con đường du học Hàn Quốc.

Hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh học sinh đều có một tâm lý lo lắng rằng con cái đi học trong nước ra trường sẽ làm gì?  Nhiều bạn phải dấu bằng đại học để xin đi làm công nhân, vì khi chưng bằng đại học thì họ không tuyển. Rất nhiều gia đình cân nhắc rằng có nên cho con cái đi du học Hàn Quốc? Khi tìm hiểu thấy đầy rẫy thông tin như: Du học Hàn quốc vừa học vừa làm thu nhập cao, đi một năm là có thể trả hết nợ và gửi được tiền về cho ba mẹ. Công việc làm thêm nhiều, chỉ tầm một đến hai tháng là có thể xuất cảnh… Gia đình cần đầu tư một khoản ban đầu từ 200 đến 300 triệu cũng bằng tiền học đại học 4 năm ở trong nước. Chỉ cần lo cho các cháu năm đầu, còn các năm sau thì không cần phải gửi tiền sang mà các bạn đi làm thêm, đủ tiền đóng học và nếu tiết kiệm có thể gửi được tiền về nhà cho bố mẹ….

Du học Hàn Quốc đâu phải chỉ có màu hồng mà đó còn là máu, nước mắt

Nhiều gia đình khi nghe được những lời giới thiệu như vậy rồi lại nghe đồn rằng. Có con ông làng bên mới cho con đi du học Hàn Quốc. Một năm sau nó gửi về cho bố mẹ mấy trăm triệu. Đến nỗi ở nhiều nơi bác trưởng thôn, hội trưởng phụ nữ,… cũng là những chuyên gia tư vấn du học, khi thông tin chỉ là con ông A bà B đã đi rồi. Với ví dụ thuyết phục rằng: Chỉ cần so sánh là 1 giờ bên Hàn có thể kiếm 200 nghìn đã bằng cả ngày lao động ở quê. Tháng kiếm 40-50 triệu là bình thường, cộng với bằng chứng có người đi rồi nên rất nhiều gia đình đánh liều đi cắm sổ đỏ, vay nặng lãi để lo bằng được cho con đi du học với mong ước là có thể kiếm được nhiều tiền và thoát nghèo, sau này về có tiếng Hàn, cầm tấm bằng đại học nước ngoài thì lo gì không trở thành tỷ phú. Sống cuộc sống giầu sang vì thấy ai đi nước ngoài cũng đều xây được nhà to, xe đẹp và nhiều tiền cả. Đó mới chỉ là đi lao động còn đi học thì phải hơn chứ.

Nội dung câu chuyện tư vấn có nội dung tương tự qua mẩu tâm sự ngắn giữa bác hội trưởng phụ nữ và gia đình có con học lớp 12 như sau:

Bác hội trưởng hội phụ nữ:

Vừa rồi chị đi thăm quan công ty A chuyên về du học Hàn Quốc, được công ty giới thiệu chương trình Du học Hàn Quốc vừa học vừa làm mà mừng cho các cháu đang học cấp 3 quá em à. Con của chị lớn rồi, nếu nó học lớp 12 thì tôi cũng sẵn sàng đầu tư cho nó đi học.

Ngưng một chút, bác hội trưởng nói tiếp.

Họ cho thông tin thực tế các bạn du học sinh Hàn kể chuyện là khi tham gia chương trình du học Hàn Quốc tại công ty. Tháng nào cũng kiếm được 40-50 triệu tiền Việt. Ăn tiêu rồi, tiết kiệm cũng gửi được về cho bố mẹ gần 20 triệu, bằng cả nhà dành dụm cả năm. Mà du học Hàn Quốc vừa học vừa làm không khổ em à. Sang chỉ có mỗi một việc học tiếng Hàn và đi làm thì sướng. Nếu cho tôi đi, tôi cũng đi được.

(Nhấp ngụm nước chè, bác hội trưởng đưa mắt dò xét thái độ của bác có con đang học lớp 12 rồi nói tiếp)

Vợ chồng em xem thế nào, con nó lớn rồi cho đi du học đi, chứ học xong ở trong nước như con ông D đấy, chẳng xin được việc rồi lại quay ra làm công nhân và phải  giấu bằng đại học, vì chưng ra người ta không nhận.

Bác có con học lớp 12:

Vâng, gia đình chúng tôi cũng đang có cháu năm nay sẽ tốt nghiệp lớp 12. Cũng đang lo lắng quá chị à.

Vợ chồng chúng tôi cũng mong sao sau này chúng nó thoát ly ra ngoài. Chứ quanh năm đầu tắt mặt tối như chúng tôi mà chẳng để ra được đồng nào. Vừa rồi dịch tả lợn nhà em cũng mất sạch. Thấy cám cảnh nhà nông, đầu tắt mặt tối mà lúc nào cũng phải vay nợ. Cũng mong muốn cho con lớn nó đi.

Bác hội trưởng hội phụ nữ:

Vậy thì còn chờ gì nữa. Tôi giới thiệu công ty C này là số 1 Việt Nam về du học Hàn Quốc.

Đi du học, vừa có bằng lại vừa có tiền. Sau này chúng nó sướng thì ông bà cũng mát mặt với làng, với xóm, với họ hàng.

……

Các anh chị có thấy câu chuyện này quen không ạ?

 Thanh Giang rất đồng cảm với mong muốn ấy của các anh chị. Cũng xuất thân từ cảnh nhà nông, nên Thanh Giang thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn để kiếm được những đồng tiền mồ hôi nước mắt của các anh chị như thế nào.

Nhưng thực tế nó có đẹp như những gì các anh chị được nghe? Những đồng tiền các anh chị thấy? Đó mới là một mặt thôi. Mặt còn lại là nước mắt, tuổi thanh xuân, sự đắng cay tủi hờn, thậm chí là cả máu thì anh chị không nhìn thấy được. Các cụ nhà ta thường có câu “Tốt khoe, xấu che”.

Vậy, cùng Thanh Giang đi tới tận nơi với các cháu đang ngày đêm học tập và làm việc bên Hàn, để hiểu được cuộc sống thực tế các cháu như nào các anh chị nhé!

Mới rời khỏi ghế nhà trường. Các cháu bắt đầu tham gia chương trình du học Hàn Quốc, với cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, các cháu vẫn còn ôm rất nhiều những mộng tưởng khi được nghe giới thiệu về du học, rồi nghĩ tới sang Hàn sẽ được gặp các diễn viên phim nổi tiếng, sẽ được sống cảnh giống như các sinh viên trong phim Hàn Quốc. Tâm lý nóng vội, cộng với mong muốn đẩy các cháu đi càng sớm càng tốt, giống như người nông dân nuôi con lợn, con gà chỉ muốn nhanh nhanh, chóng chóng xuất chuồng là có tiền. Nên từ khi làm hồ sơ đến khi bay, tổng thời gian học tiếng Hàn trước khi đi chỉ có 1-2 tháng, năng lực ngoại ngữ đôi khi chỉ là vừa qua bảng chữ cái với vài câu chào hỏi đơn giản, ý thức và tính kỷ luật vẫn như khi còn ở trong vòng tay gia đình. Sự hiểu biết về văn hoá cũng như luật pháp vẫn là con số không. Rèn luyện sức khỏe cũng không, đi vài trăm mét cũng xe máy,…

Chân ướt chân ráo đặt chân đến Hàn Quốc, các cháu mới bàng hoàng nhận ra sự thật đắng cay rằng: Không có năng lực tiếng thì chẳng khác nào bị đày ra đảo vắng, chẳng thể làm được gì khi nghe người Hàn nói mà mình cảm giác như bị câm, điếc. Các cháu bắt đầu rơi vào tâm lý hoảng loạn ngay sau khi tới Hàn. Ngày nhập học, may mắn trường có nhân viên người Việt hỗ trợ thủ tục, nên các cháu bớt  hoang mang. Nhưng khi vào lớp học tiếng, lúc đó mới thấy sợ thực sự, chẳng thể hiểu giáo viên đang giảng gì. Ở trong nước, người Việt giảng cho nghe còn khó hiểu, không hiểu có thể hỏi lại được. Sang Hàn rồi, thì lấy đâu ra người phiên dịch trong giờ học được đây. Nên mỗi ngày lên lớp, giống như một cực hình với các bạn. Rất nhiều bạn ở trong nước học tiếng chỉ học mẹo, để làm sao trả lời được phỏng vấn của đại sứ quán, có visa là được. Những mẹo đó, đâu có giúp ích gì được cho các bạn khi đối mặt với cuộc sống thực tế bên Hàn.

Ngoài ra, còn có áp lực khác đặt lên vai các cháu, là phải đi kiếm việc làm thêm để có tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Tìm làm sao được việc khi không có năng lực tiếng Hàn? Ai người ta thuê người không nghe nói được vào làm ở quán?

Nhiều bạn được giới thiệu đi làm công việc nhà nông như: Đi nhổ hành, trồng sâm, … Những việc tay chân này thì không cần nhiều năng lực tiếng. Nhưng lại rất rủi ro vì khi đi làm sẽ có ô tô đưa đi. Cảnh sát thường đón sẵn ở điểm tập hợp khi xe đưa về để kiểm tra. Rất nhiều bạn bị bắt như vậy.

 Ở trong nước chưa phải lao động nặng nhọc bao giờ, sang bên này đi làm phải đứng cả ngày. Phải đi bộ hàng mấy cây số một ngày, nhiều bạn mới sang chân sưng và đau phải mất một thời gian mới có thể quen được.

Các anh chị cùng đọc đoạn một chia sẻ, của du học sinh đi làm thêm công việc nhà nông ở bên Hàn nhé:

Ai đó làm ơn nói cho tôi biết bao giờ tôi mới được về nhà? Móng tay cắt vội, cơm không kịp ăn… Một ngày dài mệt mỏi. Từ giờ cho đến về sau không bao giờ ăn hành tây, không ngửi được mùi hành phải cho dưa chuột vào mũi.

Hàn Quốc màu hường.

Theo luật pháp của Hàn. Sáu tháng đầu, du học sinh không được phép đi làm thêm. Nếu đi làm mà cảnh sát bắt được thì các cháu sẽ bị đưa về nước. Trong trường hợp có trường đứng ra bảo lãnh, thì các cháu sẽ phải chịu nộp phạt với khoản tiền không nhỏ.

Có trường hợp buồn, một bạn nữ du học sinh Việt Nam sang được một tháng, đã đi làm thêm ở quán trên tầng 2. Bất chợt cảnh sát ập vào kiểm tra, vì quá hoảng sợ nên cháu đã nhảy từ ban công tầng 2 xuống đường để trốn chạy và rồi đã bị rạn xương chân, nằm viện hàng tháng mất mấy chục triệu.

Tai nạn lao động, cũng là mối nguy hiểm luôn rình rập với các bạn làm việc ở xưởng. Do chưa làm công việc với máy móc bao giờ cộng với làm quá nhiều, ngủ ít, các cháu thường không có được sự tập trung và tỉnh táo nên rất dễ xảy ra tai nạn lao động. Anh chị thử thức đêm liên tục xem đầu óc còn tỉnh táo khi làm việc không nhé? Chắc là không đúng không ạ. Có cháu mới 19 tuổi, vừa qua được 1 tháng đi làm thêm tại xưởng và bị tai nạn, vụ tai nạn đã lấy đi bốn ngón tay của cháu. Đồng tiền, nó bao gồm cả máu đó các anh chị!

Hình ảnh du học sinh bị tai nạn lao động bên Hàn Quốc.(Thông tin trong Cộng Đồng Du Học Hàn Quốc: https://www.facebook.com/groups/vietnamhanquoc/)

Khi còn ở nhà, vì trót nghe lời giới thiệu sang là có việc làm thêm ngay, nên chủ quan không mang theo tiền dự phòng.  Khi trong túi sắp hết tiền, quê nhà thì đã kiệt quệ sau khi vay khoản tiền lớn để lo cho các cháu. Lên lớp học không hiểu bài, xin đi làm thì không được. Các cháu bị rơi vào hoàn cảnh một cổ mấy tròng không khác gì cảnh chị Dậu. Các cháu sẽ đi về đâu? Chạy hướng nào?  Khi trước mắt chỉ là một màn đêm đen đặc.

Chỉ còn một con đường cuối là bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp (BHP), đi làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm mà người Hàn họ không làm thì mới đến lượt mình. Cuộc sống BHP sẽ chịu rất nhiều cảnh chèn ép từ phía chủ lao động vì hiện nay bên Hàn có quá nhiều lao động sống lưu vong. Vì sao ở Hàn, trốn ra ngoài đơn giản như vậy mà vẫn có việc, không giống như Nhật? Vì ở Hàn, các doanh nghiệp họ vẫn tuyển lao động BHP mà không chịu sự trừng phạt của chính quyền như ở Nhật. Nên họ sẵn sàng nhận lao động BHP này với tiền công rẻ mạt. Không có được các chế độ phúc lợi, bảo hiểm,…Có thể chèn ép lao động được, vì nắm được thóp các bạn là sống BHP nên không có quyền lợi bình đẳng. Nhiều khi bị tai nạn thì rất thiệt thòi.

Anh chị thử tưởng tượng, khi con mình mới có 18 tuổi, vừa rời xa vòng tay gia đình đã rơi vào tình trạng như vậy. Hình ảnh ấy chẳng khác nào con chim non chưa tập chuyền mà đã phải đối mặt với giông bão và mưa lớn, ướt run rẩy đứng giữa đêm trường với bao nguy hiểm rình rập xung quanh. Có đau xót không các anh chị?

Đứng giữa khoảng không vô định chọn hướng đi (ảnh minh hoạ)

Nếu như so với thế hệ anh chị và Thanh Giang, thì đúng là thời nay các cháu sướng hơn rất nhiều. Các cháu không phải chịu cảnh áo vá, ăn sắn, ăn khoai, cũng như nhịn đói để đi học, chiều về lại lao ra đi làm đồng. Các cháu sống cuộc sống no đủ hơn, đồng nghĩa với việc nhận được sự bao bọc và chở che rất nhiều từ cha mẹ. Các cháu chưa có được những kỹ năng sống, sức chịu đựng như anh em chúng ta. Thử hỏi với người chưa biết bơi, mà đã đẩy xuống biển thì kết quả thế nào? Anh chị có nhẫn tâm không khi chứng kiến cảnh đó?

Nhiều lúc nghe thông tin học sinh Việt Nam bên Hàn Quốc bỏ trốn nhiều. Thanh Giang thấy đáng thương hơn đáng giận. Vì lỗi này là do người lớn chúng ta tạo ra và các cháu phải hứng chịu từ những sự vô trách nhiệm này của người lớn.

Thanh Giang không thể tưởng tượng được cuộc đời của các cháu sau này thế nào, khi các cháu bỏ trốn ra ngoài. Cái nguyên nhân ngày hôm nay, sẽ tạo ra cái kết quả đáng sợ cho ngày mai. Khi các cháu về nước với kiến thức không có, năng lực tiếng Hàn bồi thì các cháu làm gì cho quãng đời còn lại? Cầm trong tay một vài tỷ sau 6-10 năm sống BHP, mua mảnh đất ở quê, làm được cái nhà nếu như may mắn không bị bắt về sớm. Còn không may mà bị bắt, các cháu sẽ sống sao đây? Nhiều cháu bị về nước sớm đã rơi vào trạng thái stress tâm lý sợ mọi người, suốt ngày đóng cửa ở trong nhà không dám gặp ai.

Viết tới đây, anh chị đã mường tượng được phần nào về phía sau bức tranh màu hồng ấy rồi chứ?

Vậy còn các cháu có sự chuẩn bị tốt trước khi đi thì sao? Có giống như vậy không?  Thanh Giang xin thưa có một phần như vậy đó các anh chị.

Sang tới Hàn những bạn tiếng tốt, tự tin thì có thể học được tiếp và xin được việc làm thêm ngay (làm việc trước 6 tháng là phạm luật). Với mức lương từ việc làm thêm là 7.500 – 8.350 won/h tương đương khoảng 150- 175.000 vnđ/h với quy định 20h/ tuần thứ thứ 2-6. Thứ 7 và Chủ Nhật không tính thì thu nhập bình quân các cháu khoảng 18-20 triệu. Sau 6 tháng mới được đi làm.

Thường thì sau giờ học, các cháu sẽ phải đi làm thêm ngay và thời gian làm ở các quán thường phải vượt quá thời gian, vì quán họ thường yêu cầu làm đến 10-11h mới được nghỉ. Vậy khi về tới nhà đã là 11-12h đêm. Nếu bạn nào cố gắng thì ngồi học bài 1-2 tiếng, với khoảng thời gian này thì anh chị cũng đều biết rằng việc học không thể hiệu quả được. Nhiều bạn đi làm xuyên đêm thì ngày hôm sau sẽ rất mệt.

Học sinh học khuya, sau giờ khi làm về

Nắm bắt được tâm lý du học sinh cần việc, người Việt lại chịu thương, chịu khó. Nên lẽ ra phải thuê 2 người thì họ chỉ thuê 1 bạn du học sinh làm hết công việc cho 2 người để giảm tối đa chi phí. Nhiều bạn không chịu nổi áp lực, nên chỉ một thời gian ngắn phải xin nghỉ.

Ngồi tâm sự với các bạn. Thanh Giang thường hỏi:

Áp lực lớn nhất của du học sinh là gì? 

Thì 99/100 câu trả lời là áp lực tiền đóng học cho kỳ tiếp theo. Cứ mỗi lần tới kỳ đóng học, nhìn bạn nào trông cũng phờ phạc như người không hồn, vì phải đi làm thêm nhiều cộng với ăn uống tiết kiệm để dồn đủ tiền.

Vất vả lắm mới xin được visa đi học, sao sang tới nơi rồi không chịu học mà lại trốn nhiều như vậy? 

Câu trả lời nhận được vẫn là áp lực đóng học phí, năm nay học phí lại tăng, tiền bảo hiểm tăng, cộng với việc làm thêm thì ngày một khó khăn do người Hàn thất nghiệp cũng nhiều, giờ làm thêm thì bị cắt giảm. Chứ thực tâm thì chẳng ai muốn trốn cả, vì chẳng sung sướng gì với cuộc sống lưu vong, nhớ nhà không dám về, mẹ cha ốm đau không may qua đời cũng chẳng về được, vì nếu về thì khoản nợ ai sẽ lo? Nghe câu trả lời mà lòng trĩu nặng. Nhiều bạn tặc lưỡi, thôi trốn ra ngoài kiếm lấy ít tiền rồi về quê kinh doanh, chứ đi làm ngày làm đêm, học chẳng được. Trốn ra chỉ còn mỗi việc đi làm kiếm tiền, chẳng lo đi học, lo tiền học phí nữa. Phó mặc cho sự may rủi: “Đen thì phải chịu, đỏ thì quên đi”.

Vậy ước muốn của các cháu là gì trước khi đi Hàn?

Với ước muốn được học để cuộc đời sau này đỡ khổ. Nhưng thực tế nó không phải như những gì mình mong ước. Anh chị thử tính, với mức thu nhập trung bình như vậy, sau khi trừ tiền nhà 3-5 triệu/ tháng. Tiền ăn, tiền điện nước,… các cháu tiết kiệm được bao nhiêu đâu?

Nhiều cháu rớm nước mắt khi kể. Ở nhà thường gọi điện sang giục gửi tiền về để trả nợ. Sang đến đây mới thấy, đi làm thêm mong đủ tiền đóng học đã là may, khi ngày đêm đi làm vượt quá thời gian cho phép dành cho du học sinh. Nhiều ba mẹ thì suốt ngày nhắn mua cho mẹ hộp mỹ phẩm này, chai rượu sâm nọ, chiếc máy điện thoại kia. Vì luôn nghĩ con nó kiếm được nhiều tiền, sợ nó tiêu linh tinh hết. Thấy con hàng xóm liên tục gửi đồ, gửi tiền về cho gia đình nên nghĩ con mình cũng có tiền.

Thanh Giang hỏi, tại sao tình trạng đúp lớp nhiều như vậy khi lên lớp 3, lớp 4, lớp 5?

Câu trả lời là do áp lực đồng tiền. Vì mải đi làm đóng tiền học, các cháu chẳng có thời gian học. Đi lên lớp mắt lúc nào cũng díp lại, chỉ muốn ngủ một giấc và không cần phải dạy nữa. Lúc nào cũng ước, cái ghế là cái giường, cái bàn học là cái giường. Có thể làm một giấc ngủ quên cuộc đời luôn…  Xót xa không các anh chị? Khi ở nhà, thấy con còn ngủ say, cha mẹ không đành lòng đánh thức. Sang bên này, các cháu lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ.

Có bạn học sinh thốt lên rằng. Cuộc đời du học sinh bọn cháu đúng là nhục hơn kiếp con trâu, trâu đi làm còn có thời gian nằm nhai cỏ. Chúng cháu đi làm về chỉ lùa canh nuốt vội, vừa đứng, vừa thở vừa ăn, vì đạp xe leo dốc vội về nhà và ăn nhanh cho đỡ đói sau khi đi làm công việc nặng nhọc đêm khuya.

Ăn vội bữa đêm lúc 1h30 sáng sau khi đi làm về khuya.

 Nhiều khi chợt nhớ tới gia đình. Nhớ những bữa cơm quây quần bên cha mẹ cùng các em, mà những giọt nước mắt mặn đắng rơi trên bát cơm lúc nào không hay. Cháu khóc vì nhớ nhà, khóc vì thương cha, thương mẹ đang ngày đêm vất vả, khóc vì tóc cha ngày thêm bạc do lo nghĩ tới những khoản nợ. Khóc vì quê nhà đang bão lũ, làm lưng mẹ phải còng thêm, để lo bữa ăn cho các em,….Còn mình thì nơi này phải lủi thủi một mình vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Kể cho đám bạn ở quê thì chúng nó chỉ cười khẩy và bảo: Đi nước ngoài là có tiền, tao thấy mày hay chia sẻ ảnh đẹp như thế, sao mà khổ được. Đừng có xạo loz!

Vậy các cháu sang có nhớ nhà không? 

Khi mới sang thì hầu như bạn nào cũng nhớ nhà cả, dần dần công việc học tập, đi làm thêm giúp các bạn  vơi đi nỗi nhớ. Nhưng đến khi tết đến, các bạn thường nhớ nhà quay quắt, khóc nhiều nhất là những bạn đi làm ngày 30 tết, nhớ nhà mà chỉ biết vừa đi vừa khóc, không dám gọi về cho bố mẹ, sợ bố mẹ lo lắng. Đến đêm xuống, lủi thủi một mình nhớ cảnh quây quần bên gia đình chuẩn bị đón giao thừa mà nước mắt ướt đầm chiếc gối.

Ba mẹ ơi, chúng con nhớ nhà! (Ảnh minh họa)

Kể sao hết được những nỗi khó khăn và nhọc nhằn của cuộc sống du học sinh Hàn Quốc được đây? Đó chỉ là một phần thôi các anh chị.

Vậy lời khuyên nào đây để các cháu có thể đi du học Hàn Quốc?

Thanh Giang xin trả lời rằng: Nếu anh chị có thực lực kinh tế thì nên cho các cháu đi, còn vay mượn thì không. Hiện nay du học Nhật Bản có rất nhiều chương trình du học hỗ trợ tài chính như chương trình điều dưỡng, IT,… Còn đã đi du học Hàn, anh chị cần chuẩn bị khoản tiền đóng học cho các con ở năm tiếp theo.

Các cháu chỉ đi làm thêm theo thời gian quy định, để hỗ trợ phần nào tiền sinh hoạt phí cho gia đình đỡ vất vả, anh chị cùng tính thời gian sinh hoạt cho các cháu với Thanh Giang nhé!

Một ngày các cháu đi học 4 tiếng, đi làm 4 tiếng (luật cho phép). Thời gian đi lại khoảng 1-2 tiếng, vậy còn lại 12-14 tiếng để các cháu học tập và nghỉ ngơi. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, các cháu sẽ ngủ từ 6-8 tiếng/ ngày. Còn lại khoảng 6 tiếng để các cháu học bài, nấu ăn, tắm giặt,…

Ở trong nước, các anh chị đi làm 8 tiếng/ngày. Tối về nhà, anh chị chẳng kịp làm được gì mà đã đến khuya, sáng dậy lại tất bật cho ngày mới, thấy thời gian cứ trôi vèo vèo, vậy các cháu nó cũng giống anh chị khi đi học 4 tiếng và làm 4 tiếng tổng là 8 tiếng/ ngày là hợp lý.

Khi các cháu sắp xếp được thời gian như vậy, đầu óc tỉnh táo. Các cháu học tiếng sẽ rất nhanh tiến bộ, học ngôn ngữ không đâu tốt bằng khi học tại đất nước bản địa. Nếu kết quả học tập tốt, các kỳ tiếp theo sẽ nhận được học bổng. Hầu như tất cả các trường bên Hàn Quốc khi có Topic 3 trở lên, thì được học bổng miễn giảm từ 30-60% học phí. Tức là các năm tiếp theo, các cháu chỉ phải đóng khoảng 40-50 triệu/ năm. Với tiền làm thêm các cháu kiếm được từ 18-20 triệu/ tháng, đủ để chi trả sinh hoạt phí. Vậy, hằng năm anh chị hãy hỗ trợ các cháu, để các cháu có thời gian học tập. Còn nếu ép các cháu tự kiếm tiền trang trải tất cả sinh hoạt phí (tự bơi) thì các cháu sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn:

Đi học => Đi làm nhiều => Học không được => Đúp lớp => Đi làm nhiều để đóng tiền học => Đi học =>… (Một vòng tròn nhân quả)

Các cháu bị cuốn vào vòng xoáy này, không biết đến khi nào mới thoát ra được. Nếu sau 2 năm không đủ năng lực tiếng để học tiếp lên cao thì sẽ phải về nước. Về nước mà kiến thức không có, các cháu sẽ làm gì? Về Việt Nam lại đi làm công nhân? Các cháu có chịu được không, cảnh phải đối mặt với thực tế bạn bè hỏi những câu như: Tưởng bố mẹ đầu tư cho hàng đống tiền đi du học Hàn Quốc thế nào? Hoá ra… Thấy mày chia sẻ hình ảnh bên Hàn đẹp thế. Chắc chán Hàn Quốc rồi à, về Việt Nam theo đít con trâu sướng hơn hả? Tao mà như mày, không bao giờ tao về Việt Nam…

Hay ông hàng xóm nhà anh chị, lúc sang nhà chơi chè cháo trao đổi dăm ba câu chuyện, đại loại như: Ngày xưa tôi khuyên ông không nghe, như thằng cò nhà tôi tốt nghiệp xong cấp 3, tôi cho nó đi làm công nhân luôn, 2 năm nay nó cũng để ra được trăm triệu. Ông đầu tư mấy mấy trăm triệu mà con ông,  giờ nó về phải nhờ thằng cò nhà tôi xin việc cho, tiền thì phải vay mượn để cho nó đi, giờ nó về không bằng thằng cò…. Anh chị có chịu đựng nổi những lời như vậy?

Cho nên 99% bỏ trốn ra ngoài sống BHP khi không học được, chứ không quay về. Nhiều trường vừa nhập học được 200 học sinh thì sau 1 tháng có tới 100 học sinh bỏ trốn.

Khi Thanh Giang liên lạc hợp tác thì đa phần các trường rất sợ phải tiếp nhận du học sinh Việt. Nhiều trường từ chối thẳng thừng rằng: Chúng tôi đã ngừng không nhận du học sinh Việt.

Khi làm việc trực tiếp với, họ trao đổi: Rất muốn tuyển nhiều học sinh đến từ Việt Nam, nhưng mối lo duy nhất là tình trạng bỏ trốn, trong khi các trường có nhiều chương trình hỗ trợ cho du học sinh quốc tế. Chính phủ khuyên các trường nên chuyển hướng sang các nước khác để tuyển. Hạn chế du học sinh đến từ Việt Nam.

Đợt vừa rồi, đại sứ quán Hàn Quốc đã trả hồ sơ của rất nhiều các bạn du học sinh. Làm cho nhiều bạn có mong muốn du học thực sự thì không thể đi được, các cháu và gia đình rất sốc sau một thời gian dài học tập và hy vọng. Là một người làm trong nghề, đưa biết bao nhiêu bạn trẻ đi du học khắp nơi trên thế giới. Thanh Giang thấy thực trạng hiện nay quá đắng cay khi Nhật và Hàn ngày càng thắt chặt các bạn trẻ sang du học.

Thế cho nên, những anh chị nào có cháu đang học tại Hàn Quốc

Hãy thường xuyên động viên các cháu, đừng ép các cháu phải gửi tiền về. Đừng nói những câu vô tình như: Thằng A con ông B nó mới gửi cho bố mẹ nó mấy chục triệu. Các anh chị đừng bao giờ so sánh con mình với con người khác. Con của anh chị là cuộc đời của anh chị, nó là sản phẩm mà anh chị đã tạo ra, cháu có xấu đẹp thì đó vẫn là con của anh chị cơ mà. Đừng gây thêm áp lực cho chúng! Các cháu sẽ tủi thân lắm, mỗi khi cha mẹ đem chúng ra so sánh với con ông A bà B. Thay vào đó, hãy khuyên nhủ các cháu, đồng hành với các cháu để các cháu tự tin học tập. Cuộc đời này không bao giờ có “giá như”. Nhiều gia đình đã vô cùng ân hận và xót xa khi nhận được hung tin. Các cháu đột quỵ khi đi làm thêm quá nhiều, ước gì thời gian quay trở lại thì tôi sẽ không cho con đi du học. Nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Con ơi, về với mẹ đi con. Mẹ sống sao đây khi không còn có con… “và nhận lại là một sự im lặng đáng sợ thôi các anh chị.

Ngày 06.06 vừa qua, một du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã qua đời do sốt cao và bị vỡ mạch máu khi tuổi đời còn quá trẻ, biết bao mơ ước dang dở trước mắt. Để lại nỗi đau đớn vô cùng cho người ở lại.

Một du học sinh tại Hàn Quốc mất do sốt cao, vỡ mạch máu. Thanh Giang xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình cháu.(Thông tin trong Cộng Đồng Du Học Hàn Quốc: https://www.facebook.com/groups/vietnamhanquoc/)

Nỗi đau khổ khi người mẹ nghe hung tin về con (Ảnh minh họa)

Có gia đình bàng hoàng, khi nghe tin con bị công an bắt vì đi buôn ma tuý ở bên Hàn Quốc. Ở nhà, nó ngoan ngoãn mà sao sang Hàn nó lại đổ đốn như vậy? Là vì các cháu không có tiền đóng học nên phải làm liều đó…. Những câu chuyện ngày hôm nay của người khác, rất có thể sẽ trở thành câu chuyện của các anh chị.

Vậy chúng ta cùng sống chậm lại để suy nghĩ lại anh chị nhé! Hãy lo tương lai của các cháu. Thử nghĩ xem, cha mẹ anh chị em chúng ta cả đời lam lũ hy sinh vất vả, ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu, dành dụm tất cả cho con cái. Đến cuối đời ra đi, buông xuôi tất cả chẳng mang theo thứ gì.

 “Sinh ra trong đời với hai bàn tay trắng, đến khi lìa đời cũng trắng hai bàn tay”

Vậy sao phải bon chen, kiếm thật nhiều tiền bất chấp mọi giá. Thanh Giang thấy sợ khi nhiều bạn trẻ hiện nay có quan niệm khi trốn ra ngoài rằng: “Thà vài năm làm chó ở Hàn Quốc, để được sau này về được làm người ở Việt Nam”. Trốn ra ngoài kiếm ít tiền về Việt Nam sống đời ông chủ.

Hãy nghĩ tới tương lai của các cháu anh chị à. Các cháu học tập tốt, có sức khỏe, có trí tuệ. Các cháu sẽ có một tương lai lâu dài. Thanh Giang thường kể cho học sinh nghe câu chuyện về việc người mẹ do thái dạy 3 người con:

Các anh chị cùng đọc và suy ngẫm nhé

Mẹ: Trong trường hợp chúng ta phải đi di tản khi có chiến tranh, thì hành lý mang theo của các con là gì?

Người con trai cả trả lời:Con sẽ mang thật nhiều vàng bạc, của cải mẹ ạ.

Đứa thứ 2 nói:Con sẽ mang thật nhiều đồ ăn, thức uống ạ.

Người con út thưa:Con sẽ mang một ít tiền và một ít đồ ăn,  thưa mẹ.

Người mẹ mỉm cười nói với 3 con: Các con thật biết lo xa, mẹ rất tự hào vì các con. 

Mẹ: Thế mẹ hỏi các con nhé! Những thứ con mang theo có dễ bị cướp không? Khi trong lúc loạn lạc như vậy?

3 người con cùng trả lời:Hoàn toàn có thể chứ mẹ, thậm chí nó còn gây nguy hiểm cho chúng con mẹ à, họ có thể giết chúng con để cướp đồ. Vì đó là vật ngoài thân, thưa mẹ

Mẹ:Vậy, thứ mà các con có thể mang theo mà không lo bị cướp là gì?

3 người con ngơ ngác nhìn nhau không ai trả lời được câu hỏi của mẹ.

Mẹ lại mỉm cười nhìn 3 con âu yếm nói tiếp: 

Đó chính là kiến thức và trí tuệ các con à, những thứ đó sẽ theo con mãi, nó sẽ phục tùng các con. Không ai có thể cướp được của các con. Các con sẽ dùng nó để kiếm thức ăn, kiếm tiền bạc và làm mọi thứ các con muốn. Không ai ép buộc các con được cả….

Người do thái dạy các con (Ảnh minh họa)

Đó, thời đại xưa mẹ do thái đã dạy con mình vậy. Thời đại nay 4.0 rồi, các cháu cần phải học tập tốt vì lao động chân tay sẽ được thay thế dần bằng máy móc, khi khoa học công nghệ thay đổi từng giây từng phút. Mỗi khi đi thăm thư viện, du học sinh Hàn và các nước học tập rất chăm chỉ, học ngày đêm trên thư viện, để mai này các bạn có cơ hội kiếm được những công việc làm lương cao và yêu thích.

Hãy chậm lại và suy nghĩ cùng Thanh Giang!

Còn những anh chị chuẩn bị cho con đi du học hãy cân nhắc thật kỹ. Đừng hướng cho các cháu sang chỉ mục đích kiếm tiền, đừng bảo các cháu trốn ra ngoài với cô dì, chú bác anh em họ bên Hàn. Đừng đẩy các cháu vào vòng xoáy kiếm tiền khi tuổi đời của chúng mới vừa mười tám đôi mươi.

Hãy đầu tư cho các cháu học vì:

“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đối cả thế giới ” (N.Mandela)

Với các cháu đang có cơ hội học tập bên Hàn Quốc thì sao?

Thanh Giang khuyên các bạn, hãy điều tiết giữa việc học và việc làm. Dành thời gian hợp lý để nghi ngơi nhé các cháu. Đừng ham đi làm thêm nhiều, đừng mơ mộng kiếm tiền nhiều mà sẵn sàng bán sức lao động với giá rẻ mạt khi đang tuổi xuân xanh, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời này.

“Chẳng ai có thể làm giầu bằng việc lao động tay chân khi bán sức lao động, tuổi thanh xuân một cách rẻ mạt được.”

Cố thủ tướng Singapore từng phát biểu về giá trị của tuổi trẻ rằng:

“Hỡi thanh niên, hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô Singapore”

Hãy thay vào đó là việc học tập không ngừng, học để cho ngày mai như: Con tằm ăn lá dâu, nó dâng cho đời những sợi tơ vàng óng. Con ong chăm chỉ đi tìm mật hoa, để rồi dâng cho đời những hũ mật vàng tươi. Còn con người cả đời chăm chỉ học tập, đọc sách, nghiên cứu để dâng hiến cho nhân loại những phát minh vĩ đại, những công trình cho muôn đời sau.

Thanh Giang thấu hiểu những nỗi vất vả, khó khăn trong cuộc sống các bạn đang gặp phải. Hiểu về những sự thật đắng cay luôn vây quanh các bạn. Nhưng thực tế lịch sử hàng ngàn năm cho thấy. Những vĩ nhân trên thế giới phần lớn xuất thân trong cảnh nghèo khó. Rất ít người nổi tiếng trên thế giới xuất thân từ nhung gấm, lụa là từ bé đâu.

Như gương của các tỷ phú trên thế giới: Bill Gates, Warren Edward Buffett, Phạm Nhật Vượng… Họ sinh ra đâu phải trong gia đình giàu có. Họ đi lên từ hai bàn tay trắng nhờ sự học tập và nỗ lực không ngừng đó các cháu à.

Khi các cháu sinh ra trong gian khổ, thượng đế đã ban cho các cháu một cơ hội để trở thành con người vĩ đại, quyết định cuối cùng là ở các cháu.

Thanh Giang xin tặng các cháu bài thơ:

Bền tâm vững ý

Sinh ra đời đã trong gian khổ

Là do trời thử thách trí, tâm ta

Muốn lớn nên cần bền tâm vững ý.

Như cây non bền bỉ từng ngày

Trên thế gian biết bao người vĩ đại

Đều sinh ra trong gian khó, nhọc nhằn

Mấy ai được sống trong nhung gấm?

Mà vươn lên vĩ đại trong nhân gian.

Đã sinh ra là một kiếp người.

Thì đừng sống cuộc đời như tảng đá

Đừng lặng chìm dưới mặt sông yên ả

Chớ phí hoài một kiếp nhân sinh.

Tiến lên nhé, tự tin các cháu!

Tương lai do các cháu tạo ra

Đừng phó mặc tất cả cho ngoại cảnh.

Không đổ lỗi, khi gặp những khó khăn.

Nên hôm nay cần luôn cố gắng.

Vững tâm can, học tập từng ngày

Để mai này tự tin dang đôi cánh

Vút tầng không chiến binh Việt Nam.

Tổ quốc, quê hương, gia đình, dòng tộc.

Luôn dõi theo các cháu từng ngày.

Vẫn mong chờ ngày mai tươi sáng

Đón chiến binh làm dạng danh quê hương.

Thanh Giang 05-06-2019

Thanh Giang xin được có lời kết mở ở đây. Việc còn lại là ở hành động của anh chị. Tương lai của các cháu sẽ là những gì mà các anh chị mong muốn.

Anh chị hãy cùng tham gia nhóm: Cộng Đồng Du Học Hàn Quốc để cùng đọc chia sẻ thực tế của các bạn đang sống và học tập tại Hàn Quốc về những thực tế qua link của nhóm: https://www.facebook.com/groups/vietnamhanquoc/

Thanh Giang xin gửi lời các ơn chân thành tới quý đối tác là các trường đại học Hàn Quốc, các bạn du học sinh. Đã dành thời gian trao đổi thân tình, giúp Thanh Giang có được những thông tin thực tế và thay lời du học sinh nói lên thực trạng của du học Hàn Quốc hiện nay. Giúp các gia đình có được những góc nhìn đa chiều, trước khi quyết định cho con em đi du học

Thanh Giang luôn mong đón nhận những ý kiến đóng góp của các anh chị em, các bạn du học sinh với mong muốn làm sao chương trình du học trở về đúng nghĩa.

Thanh Giang 

Hotline: 096 450 2233 (zalo, viber, line)

Facebook: https://www.facebook.com/tuvanthanhgiangconincon

Fanpage: https://www.facebook.com/thanhgiang.edu.vn/

Ps. Thanh Giang xin gửi tới anh chị và các cháu bài thơ nói lên nỗi lòng và thực trạng của các cháu bên Hàn:

Đời du học Hàn & nỗi lòng của con

Ở phương xa, ba mẹ ơi có thấu.

Con bên này vất vả ngày đêm

Sáng lên lớp, trưa vội về làm việc

Chỉ mong sao đủ tiền đóng kỳ sau.

Bữa cơm chỉ bánh mì khô nuốt vội.

Chai nước cầm tay, vừa chạy vừa ăn.

Mong sao không bị muộn giờ làm

Không bị phạt và cho thôi việc.

Những đêm trường con nào được ngủ.

Đi “cày” đêm, để có đồng lương cao.

Những đêm lạnh, âm hơn mười độ.

Vẫn lang thang bốc vác, kiếm tiền.

Cứ đến tháng lòng con lo lắng.

Nào tiền nhà, điện, nước, tiền ga

Trăm thứ tiền con phải chi trả

Nên làm nhiều, chẳng để được ra.

Lên lớp học, con không gượng nổi

Lắng nghe bài cô giáo giảng chi.

Vì đầu óc con không còn tỉnh táo

Cơn buồn ngủ cứ trêu tức con hoài.

Lúc như vậy, con chỉ mong ước.

Được ngủ say, không cần thức dạy đâu.

Vì cuộc sống ngày này, qua ngày khác.

Như kiếp trâu, không phải kiếp con người.

Bạn bè con nhiều người đã kiệt sức.

Vì làm nhiều không ngủ nghỉ, mẹ ơi.

Đã ra đi khi tuổi đời quá trẻ.

Bỏ quên đời, phí một kiếp nhân sinh.

Nghe tin vậy, chúng con chỉ biết khóc.

Biết làm sao khi áp lực đồng tiền.

Đẩy chúng con rơi vào vòng xoáy

Chỉ vì không tìm hiểu thông tin.

Cứ nghĩ rằng, du học là sướng

Lương vừa cao, công việc lại nhàn

Nhưng đâu biết những việc cực nhọc

Thì mới đến lượt của chúng con.

Đời du học, là vòng tròn khép kín.

Học rồi làm, kiếm tiền trả kỳ sau

Kết quả kém năm sau học lại.

Rồi đi làm, quanh quẩn chỉ vậy thôi.

Đám bạn con, nhiều người không trụ nổi.

Nghe theo lời dụ, bỏ trốn ra ngoài.

Sống cuộc đời lưu vong bất hợp pháp

Chịu bao điều tủi nhục, đắng cay.

Chỉ mong sao, kiếm tiền đủ trả nợ.

Tiền ngân hàng chịu lãi suất cao.

Mà gia đình đã cầm sổ đỏ.

Cho bạn con được du học nơi này.

Rời cha mẹ, khi mới vừa mười tám.

Cái tuổi ăn, tuổi ngủ, ham chơi

Đâu thấu hiểu thế nào là cuộc sống

Khi được trong bao bọc của mẹ cha.

Giờ con thấm những lời cha mẹ dạy

Sống ở đời rất cơ cực, gian nan

Mới thấu hiểu tiền con ăn học

Là mồ hôi nước mắt mẹ cha.

Nên giờ đây, nơi phương trời xa lạ.

Chỉ ngậm ngùi, nhớ tới ngày xưa.

Được hạnh phúc trong vòng tay che chở.

Bên mẹ cha, làng xóm với gia đình.

Nhiều khi nghĩ muốn buông xuôi tất cả

Nhưng nhớ ơn nghĩa nặng, tình sâu.

Phận làm con chữ hiếu đứng đầu

Lại gượng cười, dặn lòng phải bước tiếp.

Con sẽ quyết học hành chăm chỉ.

Để mong sao không phụ nghĩa ơn dày

Cho cha mẹ không còn lo lắng.

Dành cho con đang phương này.

Rồi mai đây, ngày con trở lại

Mẹ cha sẽ tự hào vì con.

Khi con đủ tự tin và kiến thức

Thực hiện được mơ ước đời con.

Yêu cha mẹ xin đôi dòng tâm sự.

Nỗi lòng con, cùng với các bạn bè.

Gửi cha mẹ một lời cầu chúc.

Luôn bình an, sức khoẻ, yên vui.

Thanh Giang 07-06-2019

Mời các bạn tham khảo thêm thực tế du học Hàn Quốc qua Hotline Thanh Giang 091.858.2233.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar

    viagra cialis legitimate dealers thubbamidamb [url=https://xbuycheapcialiss.com/]cialis[/url] SarveJal cialis soft tabs 10 mg

  • comment-avatar
    Candicelex 4 năm

    Young Teen Plays Her Own Pussy – http://clickfrm.com/zDv9

  • Disqus (1 )
    091.858.2233